Tiểu sử Từ_Vị

Thân thế

Vị sanh ra trong một gia đình quan viên, cha là Từ Thông, làm đến Quỳ Châu (phủ) [2] đồng tri. Vợ của Từ Thông là Đồng thị sanh ra hai con trai Từ Hoài, Từ Lộ. Đồng thị mất, Từ Thông tái giá Miêu thị. Miêu phu nhân không có con, nên Từ Thông nạp thị nữ của bà ta làm thiếp, sanh ra Vị. Vì thế Vị kém các anh trai hơn 20 tuổi.

Vị ra đời chưa đến 100 ngày thì Từ Thông mất. Vị lên 10 tuổi, Miêu phu nhân trục xuất mẹ ruột của ông; dù vậy, Miêu phu nhân rất thương yêu ông. Vị lên 14 tuổi, Miêu phu nhân mất, từ đây ông ở nhờ anh cả Từ Hoài, đến năm 21 tuổi thì ở rể nhà họ Phan, mất quyền thừa kế của nhà họ Từ. Năm 26 tuổi, Phan thị mất; mãn tang, Vị rời khỏi nhà họ Phan, mở trường dạy học kiếm kế sanh nhai, giao du với danh sĩ Thiệu Hưng, cùng bọn Tiêu Miễn, Trần Hạc, Dương Kha, Chu Công Tiết, Thẩm Luyện, Tiền Tiên, Liễu Lâm, Chư Đại Thụ, Lữ Quang Thăng được gọi là Việt Trung thập tử.

Hành trạng

Tranh hoa cúc và tre của nghệ sĩ

Vị nổi danh thần đồng, 6 tuổi đọc sách, 9 tuổi làm thơ, hơn 10 tuổi phỏng theo Giải trào của Dương Hùng làm ra Thích hủy, chấn động cả huyện. Vị có tư cách Sanh viên năm 20 tuổi, nhưng thi Hương trước sau 8 lần, 21 năm vẫn không trúng Cử nhân.[3]

Năm 1557, Vị nhận lời mời trở thành mạc liêu của Mân Chiết tổng đốc Hồ Tông Hiến, góp sức vào cuộc chiến chống Uy khấu. Buổi đầu bước vào phủ tổng đốc, Tông Hiến dâng hươu trắng lên hoàng đế như vật may mắn, Vị làm 2 tờ biểu Đại sơ tiến bạch tẫn lộc biểu (Biểu lần đầu dâng hươu cái trắng) và Đại tái tiến bạch lộc biểu (Biểu lần thứ 2 dâng hươu trắng), gọi chung là Đại tiến bạch lộc song biểu, sau đó lại làm Tái tiến bạch lộc tứ nhất phẩm bổng tạ biểu (Biểu tạ ơn được ban bổng lộc nhất phẩm nhờ dâng hươu trắng lần thứ 2); đều được Minh Thế Tông khen ngợi rất nhiều.

Vị hiểu quân sự, nhiều mưu kế, tham dự vào việc bắt Từ Hải, dụ Vương Trực; dựa vào thế lực của Hồ Tông Hiến mà thể hiện tài năng [4]. Tông Hiến thuận lợi hành sự ở cõi đông nam là vì chấp nhận xu phụ Nghiêm Tung, bản thân Vị cũng từng làm Hạ Nghiêm công sanh nhật khải (Khải chúc mừng sanh nhật Nghiêm công) đầy những lời nịnh hót; đến năm 1562, Nghiêm Tung bị bãi miễn, tân Nội các thủ phụ Từ Giai phát động cuộc đàn hặc thành viên Nghiêm đảng, Tông Hiến bị bắt về kinh (và được tha chết, chỉ bị miễn chức nhờ công bình Uy), Vị rời khỏi phủ Tổng đốc. Năm 1565, Tông Hiến lại bị hặc và bị bắt giam một lần nữa với những chứng cứ mới, rồi ông ta tự sát trong ngục, Vị làm Thập bạch phú bày tỏ nỗi thương xót. Vị sợ vạ, một dạo phát rồ, nhiều lần tự sát không xong [5], trong cơn quẫn bách đã làm Tự vi mộ chí minh (Mộ chí minh tự làm). Năm 1566, Vị nghi ngờ vợ kế Trương thị không chung thủy, đánh chết cô ta [6]. Vị bị cách tư cách Sanh viên, kết tội chết; nhờ Lễ bộ thị lang, Trạng nguyên Chư Đại Thụ cứu giúp, nên chỉ bị tù giam. Trong thời gian chịu án, Vị hoàn thành việc chú thích Chu Dịch tham đồng khế [7].

Năm 1573, Vạn Lịch đế đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ, Vị nhờ Hàn Lâm biên tu, Trạng nguyên Trương Văn Cung (tự Nguyên Biện) cứu giúp, được ra khỏi ngục. Vị rời nhà ngao du sơn thủy Chiết Giang; năm 1576, ông ra bắc biên, rồi quay lại Bắc Kinh, dạy học cho con trai của Lý Thành Lương là bọn Lý Như Tùng, Lý Như Bách. Năm sau Vị quay về Thiệu Hưng, hoàn thành việc chú thích Táng thư [8]. Năm 1580, Vị đến kinh sư làm mạc liêu cho Trương Văn Cung; ông quen tính phóng túng, còn Văn Cung nghiêm khắc giữ lễ giáo, khiến đôi bên bất đồng. Vị uất ức thành bệnh, được con trai Từ Mai đón về quê nhà, từ đây không rời khỏi Sơn Âm nữa! (Sau này Văn Cung mất, Vị đến viếng, ôm áo quan mà khóc, không báo họ tên mà bỏ đi. Con trai Văn Cung là Trương Nhữ Lâm tham gia vào việc tập hợp và khắc in di cảo của Vị.)

Hậu sự

Vị rơi vào cảnh nghèo túng, bệnh tật; tích trữ hơn ngàn quyển sách phải bán đi tất cả; trong nhà chỉ còn lại tấm chiếu cói rách nát; những bài thơ Mại điêu, Mại khánh, Mại họa, Mại thư ra đời trong cảnh ngộ thê lương này. Văn, thơ của Vị trong giai đoạn cuối đời không được khắc in mà cất giữ ở nhà, về sau lưu truyền ở đời chỉ còn 2 bộ Từ Vị tập và Khuyết biên. Năm 1593, Vị mất, bên cạnh là Tự tác ki phổ, tự thuật kinh lịch cả đời của ông.

Mộ của Vị ngày nay ở khu mộ gia tộc họ Từ, đông bắc chân núi Khương Bà, thôn Lý Mộc Sách, trấn Lan Đình, khu Kha Kiều, địa cấp thị Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang.

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Từ_Vị http://article.netor.cn/article/memtext_110669.htm... http://article.netor.cn/article/memtext_110670.htm... http://open-lit.com/listbook.php?cid=13&gbid=275&b... http://ctext.org/library.pl?if=gb&res=3760 http://ctext.org/wiki.pl?if=en&res=180151 http://ctext.org/wiki.pl?if=gb&chapter=80135 https://books.google.com/books?id=1GhQ6TI7HckC&pg=... https://web.archive.org/web/20160827211112/http://... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%90%AC%E6%9B%86%... https://zh.wikisource.org/zh/%E6%98%8E%E5%8F%B2/%E...